Một số ví dụ Quyền_được_bảo_vệ_đời_tư

Vụ theo dõi bằng GPS tại Mỹ

Các cuộc tranh cãi đã bùng nổ tại Mỹ sau khi bang California và tám bang khác ở miền tây nước Mỹ cho phép nhân viên an ninh cài thiết bị định vị toàn cầu (GPS) vào xe hơi của người dân để lén theo dõi họ mà không cần trát tòa. Vụ việc bắt đầu từ năm 2007 khi Cơ quan chống ma túy (DEA) tình nghi Juan Pineda-Moreno, một cư dân bang Oregon, trồng cần sa. Dù không có trát tòa, ban đêm các nhân viên DEA đã lén đột nhập khu vực nhà của Pineda-Moreno và cài một thiết bị GPS vào xe của nghi can, khi đó đang đỗ trên đường vào nhà cách gara vài mét.

DEA đã theo dõi nhất cử nhất động của Pineda-Moreno trong suốt bốn tháng, sau đó bắt và truy tố anh ta với mức án 51 tháng tù. Pineda-Moreno đã kiện DEA ra tòa vì tội xâm phạm quyền riêng tư và đòi tòa án bãi bỏ các bằng chứng thu thập được từ thiết bị GPS. Một tòa án liên bang ở California đã hai lần bác đơn kiện của Pineda-Moreno với lý do đường lái xe vào nhà không phải là tài sản riêng, người lạ có thể đi vào.

Phán quyết của tòa án California đã châm ngòi cho những tranh cãi kịch liệt. Trên tạp chí Time, luật sư Adam Cohen bình luận việc chính quyền cho phép các nhân viên an ninh thoải mái theo dõi người dân mà không cần trát tòa "là một quyết định nguy hiểm, có thể biến nước Mỹ thành một nước chuyên chế".[5]

Tại Việt Nam, mạng di động Vinaphone vừa tung ra dịch vụ cho phép các thuê bao của mạng này biết được vị trí người khác (cùng thuê bao Vinaphone) qua tin nhắn SMS. Tuy nhiên, nhiều người đang lo ngại dịch vụ này hoàn toàn có thể bị lợi dụng để xâm phạm đời tư, gây xáo trộn đời sống tinh thần mỗi người.[6]

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 08/NQTW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị đã nêu một số bất cập hiện nay trong bảo vệ quyền con người hiện nay.[7]